EVNGENCO1 chủ động ứng phó với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn

Thứ năm, 13/10/2022 | 13:12 GMT+7
Trước những thông tin do Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cung cấp, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) đã có công điện gửi các đơn vị khu vực miền Trung - Tây Nguyên để kịp thời ứng phó.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 12/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,6-14,6 độ Vĩ Bắc; 116,3-118,3 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9. Cảnh báo trong khoảng từ đêm 13-16/10, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện mưa to đến rất to từ 200-500mm, có nơi trên 600mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở những vùng trũng thấp.

Vị trí và đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia

Để chủ động ứng phó với diễn biến vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản, Tổng công ty Phát điện 1 yêu cầu các Đơn vị khẩn trương thực hiện các công việc sau:

1.  Thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (địa chỉ website: www.kttv.gov.vn) và tham khảo các trang thông tin dự báo của Quốc tế để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời. Cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong Công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp được đăng tải trên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn.

2.  Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 14/4/2022 của Bộ Công Thương, Chỉ thị số 1686/CT-EVN ngày 03/4/2022 của Tập đoàn về công tác PCTT&TKCN năm 2022.

3.  Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.

4.  Các đơn vị không được chủ quan, cần tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, xử lý kịp thời ảnh hưởng của thiên tai. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác.

5.  Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường, vận hành đảm bảo an toàn công trình.

6.  Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước, tuyến năng lượng, … và nhanh chóng khắc phục các khiếm khuyết, tồn tại (nếu có).

7.  Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ, đập, vùng hạ hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang (cương quyết không để người, vật tư, thiết bị ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn), đặc biệt là các điểm xung yếu, các sự cố do mưa lũ lần trước chưa được khắc phục.

8.  Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cảnh báo, thông tin kịp thời cho người dân khu vực hạ du khi triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.  

9.  Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h. Đối với đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai phải cập nhật báo cáo, số liệu lên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn trước 07h00, 15h00 hàng ngày và báo cáo kịp thời về thường trực BCH PCTT&TKCN Tổng công ty qua địa chỉ email: banat@evngenco1.vn.

 

 

 

Theo evn.com.vn